LUẬN VỀ DẠY THÊM HỌC, THÊM TRONG GIÁO DỤC


Xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, nhu cầu lĩnh hội tri thức ngày càng được chú trọng, phụ huynh học sinh muốn con em mình ngày càng học tập tốt hơn, nắm chắc kiến thức hơn cho nên việc cho đi học thêm ngoài giờ là việc cần thiết, vì thời gian học tập ở trường quá ngắn, mà kiến thức thì học sinh có thể chưa nắm được tại lớp. Vì vậy, nhiều lớp học thêm ngày càng rộng rãi, nhưng dạy thêm học thêm không đúng cách, không đủ chất lượng nên đã làm xấu đi hình ảnh người giáo viên tận tụy trong mắt phụ huynh lẫn học sinh. Dạy thêm, học thêm tràn lan không còn là một vấn đề mới đối với nền giáo dục Việt Nam nữa nhưng nó lại chưa bao giờ nguội và vẫn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Đây là một thực trạng đáng báo động và chưa có hồi kết.
Thực tế dạy thêm, học thêm sinh ra và đang tồn tại là từ nhu cầu thực tế của người học, bởi đó cũng là một nhân tố để nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh áp lực thi cử khá lớn, khả năng tiếp thu của học sinh lại có phần hạn chế, một số em học sinh yếu kém cũng vươn lên khá giỏi nhờ các thầy cô dạy phụ đạo. Ðối với một số giáo viên, dạy thêm là công việc để tăng thu nhập một cách chính đáng trong điều kiện lương chưa đủ sống. Ðiều quan trọng hơn là dạy thêm tạo thêm động lực để giáo viên trau dồi chuyên môn. Có thể thấy nguyên nhân chung nhất của việc dạy thêm và học thêm là do thu nhập trong giờ dạy chính khóa nay không đủ để các thày cô giáo trang trải cuộc sống của bản thân, chưa nói đến nhu cầu của gia đình. Thứ nữa, phụ huynh và học sinh luôn luôn cảm thấy không yên tâm với kiến thức tiếp nhận trong giờ chính khóa. Chưa kể một số trường hợp phụ huynh cho con đi học thêm để tránh bị tác động, ảnh hưởng của những tiêu cực ngoài xã hội. Thực trạng trong xã hội hiện nay, có nhiều giáo viên vì muốn vụ lợi, kiếm thêm thu nhập cho bản thân mà ép học sinh phải đi học thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập, tình trạng mua bán kiến thức này làm mất đi phẩm chất cao quý của người giáo viên.


Song, việc dạy thêm học thêm không chỉ có những mặt tiêu cực, bên cạnh đó còn có những lớp học thêm nhằm giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có kết quả kém trong học tập của các giáo viên mà không cần bàn đến vấn đề học phí. Như đến phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), hỏi thăm lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Côi, ai cũng biết lớp học đặc biệt mang tên “Lớp học linh hoạt”. Cô giáo chủ nhiệm năm nay 70 tuổi, đã đứng lớp 17 năm trời. Dù đã nghỉ hưu, nhưng đều đặn  từ thứ hai đến thứ sáu, cô Nguyễn Thị Côi vẫn cần mẫn giảng dạy cho những trẻ em có hoàn cảnh không may mắn (bị câm, điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, trẻ em lang thang cơ nhỡ...) hoàn toàn miễn phí. Được biết, những ngày đầu mở lớp học đặc biệt này, UBND quận Hai Bà Trưng đã rất vất vả tìm giáo viên đảm nhiệm lớp, nhưng không tìm được ai. Khi đó,  cô Côi đang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đã tình nguyện đến giảng dạy. Ngày mới mở lớp, cô đã phải đi từng nhà để vận động các gia đình cho con em tới lớp, đi khắp nơi đón những đứa trẻ cơ nhỡ về dạy chữ, kiến thức. Nhưng bù đắp lại những chuỗi ngày đầu khó khăn, cô nhận được sự tin tưởng ủng hộ của mọi người trong tổ dân phố, các cháu học sinh quý mến, chăm chỉ học hành. Mơ ước của cô cũng thật giản dị khi mong học trò của mình  có thể làm nên những điều đặc biệt, có thể tự lập, hoặc ít nhất cũng ý thức được bản thân để bớt đi gánh nặng cho bố mẹ.
Vậy để chống tiêu cực trong dạy thêm hiện nay, phát huy tính trung thực , tận tụy và giữ gìn bản chất của nghề nhà giáo phải chăng là giảm tải chương trình chính khóa, phát huy dân chủ trong nhà trường, hướng hoạt động dạy thêm, học thêm đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, bồi dưỡng, kèm cặp học sinh, nhất là những học sinh yếu kém, học sinh cá biệt, học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Theo tôi, thay vì để tình trạng dạy thêm tự phát tràn lan, từng trường nên chủ động tổ chức học ngoài giờ, ôn luyện kiến thức cho những học sinh có nhu cầu. Khi nhà trường đứng ra tổ chức thì có thể liên kết trao đổi với các trường khác, mời giáo viên giỏi chuyên môn và có năng lực sư phạm trực tiếp đào luyện các em, tạo cơ hội học tập tốt hơn cho học sinh. Giáo viên giỏi xứng đáng có thu nhập cao bằng cách góp trí lực và tâm sức của mình. Trong môi trường minh bạch việc học thêm, dạy thêm sẽ thể hiện được đầy đủ giá trị đích thực của nó.



Post a Comment

0 Comments