Tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng phê phán đầu thế kỷ XIX


Tư tưởng xã hội chủ nghĩa thời kỳ này đã phát triển thành học thuyết, tiêu biểu là học thuyết về giai cấp, xung đột giai cấp của H. XanhXimông, quan niệm về “xã hội hài hoà”, “xã hội đảm bảo” của S.Phuriê và tư tưởng xóa bỏ chế độ tư hữu của R.Ô-oen.
- H.Xanh Xi mông (1769 - 1825).
H.Xanh Xi mông (1769 - 1825)

 Một trong những nội dung nổi bật trong tư tưởng của Xanh Xi mông là lý luận giai cấp và xung đột giai cấp. Theo ông, xã hội đương thời chia thành ba giai cấp: quý tộc, nhà tư tưởng, nhà công nghiệp, trong đó, giai cấp nhà công nghiệp là giai cấp trí tuệ, có khả năng quản lý đất nước.
Trong giai cấp nhà công nghiệp ông đã phân biệt thành hai nhóm: một bên là giai cấp ít ỏi những người sở hữu; một bên khác đông đảo những người không có của. Ông nhận thấy cuộc đấu tranh giữa những người không có của và những người sở hữu là điều không tránh khỏi. Vào cuối đời, Xanh Xi mông đã có ý niệm cho rằng, cơ sở của xã hội thuộc về giai cấp “những người công nhân làm lao động thủ công”, do vậy, giải phóng giai cấp cần lao là mục đích cuối cùng của ông.
Xanh Xi mông có thái độ phê phán đối với cách mạng tư sản Pháp vì nó chưa triệt để, chưa đem lại quyền lợi cho giai cấp nghèo khổ nhất và đông đảo nhất, do đó theo ông cần phải có một cuộc cách mạng mới. Ông phê phán gay gắt xã hội vô chính phủ công nghiệp Pháp và cho rằng đó là xã hội “lộn ngược”: người nghèo phải rộng lượng với người giàu; kẻ phạm tội lớn nhất có quyền trừng phạt những lỗi lầm nhỏ nhất; kẻ không có năng lực, vô đức hạnh lại đi điều khiển và dạy đức hạnh cho nhân dân... Ông mơ ước xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn mà ở đó phân phối của cải phải có lợi cho đa số.
Tuy nhiên, khi thực hiện mơ ước xây dựng một xã hội mới tốt đẹp Xanh Xi mông lại chủ trương đi theo con đường hoà bình, vì vậy, tư tưởng của ông đã trở thành ảo tưởng, không tưởng.
- Sáclơ Phuriê (1772 - 1837)
Ông xuất thân từ một gia đình buôn bán nhỏ của nước Pháp. Là người có khả năng nhận thức đặc biệt, mặc dù thời nhỏ ông không được học ở trường nhiều. Một trong những tư tưởng đặc sắc của Phuriê đó là phê phán và lên án xã hội tư sản một cách sâu sắc, vì theo ông, đó là một “trạng thái vô chính phủ của công nghiệp”, trong đó “sự nghèo khổ sinh ra chính từ sự thừa thãi”. Ông kịch liệt phê phán tình trạng cạnh tranh diễn ra trong nền thương nghiệp tư bản chủ nghĩa mà hậu quả của nó là thị trường rối loạn và người lao động bị bần cùng hoá.
Phuriê phê phán đạo đức trong xã hội tư sản đương thời vì nó hạn chế, bắt bẻ, phiền phức đối với người nghèo, trong khi đó nó lại là mặt nạ để cho người giàu che đậy một âm mưu, hành động tội ác. Theo ông, trong xã hội tư sản, người nghèo chỉ bình đẳng trên danh nghĩa, còn trên thực tế họ phải chịu đựng mọi bất bình đẳng và rơi vào cạm bẫy của người giàu. Ông phê phán gay gắt hôn nhân tư sản vì thực tế nó là sự giao kèo buôn bán, hợp thức hoá sự sa đoạ làm cho phụ nữ bị mất quyền. Phuriê coi việc giải phóng phụ nữ là thước đo mức độ tự do trong mọi xã hội.
Nét đặc sắc trong tư tưởng của Phuriê là ông đã nêu quan niệm biện chứng về lịch sử. Ông chia lịch sử xã hội loài người thành 4 giai đoạn: mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Ông cũng chia sự phát triển của mỗi chế độ xã hội thành bốn giai đoạn phát triển tương ứng như bốn giai đoạn của cuộc đời con người: thơ ấu, thanh niên, trưởng thành và tuổi già. Theo ông, nước Pháp, Anh lúc đó đang ở giai đoạn văn minh thứ ba và ngả sang giai đoạn tuổi già và ông hy vọng, sau giai đoạn này, xã hội đi vào một thời kỳ mới - thời kỳ văn minh của những “bảo đảm xã hội”, tiến lên giai đoạn “xã hội hài hoà”, trong đó có sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể trên cơ sở tổ chức các hiệp hội làm ăn tập thể mà ông gọi là phalănggiơ. Ông quan niệm trong xã hội hài hoà tất cả mọi năng lực của con người sẽ được hoàn thiện, cá nhân con người sẽ được phát triển tới mức chưa từng thấy.
Tuy nhiên, con đường đạt tới xã hội hài hoà của Phuriê là hoà bình, nhờ vào sự giúp đỡ của những kẻ có quyền hành và tiền của. Ông phản đối bạo lực. Do vậy, ông không vượt qua được những bậc tiền bối của mình khi tìm biện pháp xây dựng xã hội mới và tư tưởng của ông chỉ dừng lại ở sách vở.
Rôbớt Ô-oen (1771 - 1858)
Ông sinh trong một gia đình thủ công ở thị trấn nhỏ (nước Anh). Tuổi thơ của ông khá cực nhọc phải đi làm thuê từ lúc 9 tuổi, nhưng ông có chí khí vươn lên và trở thành người kinh doanh thành đạt. Cuộc đời của ông gắn liền với sự chăm lo cho những người công nhân lao động cùng khổ. Ông dã từng hai lần dành toàn bộ của cải của mình để thực nghiệm mô hình xã hội cộng sản chủ nghĩa (tuy cả hai lần cuối cùng đều thất bại).
Một trong những nội dung nổi bật trong tư tưởng của R.Ô-oen là quan niệm của ông khi bàn về bản chất con người. Theo ông, bản chất con người được hình thành thông qua sự tác động qua lại giữa con người với con người diễn ra ở môi trường bên ngoài, trong đó những tác động có tính khách quan đến việc hình thành bản chất con người có ý nghĩa quan trọng nhất. Xã hội tương lai dựa trên sự hiểu biết khoa học về các quy luật của bản chất con người, sẽ là một xã hội hài hoà, một xã hội thực sự là của con người.
Ô-oen là người có khuynh hướng duy vật và tiến bộ hơn so với những đại biểu không tưởng cùng thời, khi cho rằng sự phát triển của lịch sử gắn liền với sự thay đổi trong các phương thức sản xuất. Theo ông, “lực lượng vật chất đang chín muồi trong lòng xã hội, cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay đổi xã hội và đây là nấc thang cần thiết, chuẩn bị dẫn đến cuộc cách mạng vĩ đại và quan trọng”. Ô-oen lên án và phủ nhận sâu sắc chế độ tư hữu vì nó làm cho người sở hữu tài sản trở thành ngu muội, ích kỷ và tính ích kỷ đó tỷ lệ thuận với số lượng tài sản của họ; nó làm cho con người xa cách nhau, thù hằn nhau, tàn sát, chém giết lẫn nhau bởi các cuộc chiến tranh tàn khốc. Nó là nguyên nhân gây ra tất cả các tiêu cực và sự bất hợp lý trong xã hội. Ô-oen đi tới kết luận phải xoá bỏ chế độ tư hữu.
Để xây dựng xã hội mới theo Ô-oen chỉ còn cách là thay chế độ tư hữu bằng chế độ công hữu và xây dựng công xã là cơ sở của xã hội mới, ở đó mọi thành viên sẽ sống như một gia đình. Nguyên tắc hoạt động của công xã: lao động tập thể, cộng đồng sở hữu, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi giữa tất cả các thành viên. Công xã sẽ đảm bảo cho mọi thành viên có điều kiện để phát triển.
Tuy nhiên, về con đường và phương pháp đi tới xã hội mới cũng giống như Xanh Xi mông, Phuriê, R.Ô-oen cũng cho rằng chỉ có thể bằng con đường hoà bình, bằng cách tuyên truyền, giải thích những chân lý cơ bản thì mới có thể hoàn thành được cuộc cách mạng vĩ đại. Ông trông chờ vào sự thức tỉnh của các chính phủ và ông chủ trương thuyết phục các chính phủ từ bỏ con đường lầm lạc, tạo điều kiện thuận lợi để ông thực hiện cuộc cải cách của mình. Chính vì vậy, tư tưởng tốt đẹp của ông đã rơi vào không tưởng khi đưa ra thực hiện trên thực tế.
2.5. Giá trị và hạn chế của tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác Những giá trị:
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác có 4 giá trị cơ bản, đó là :
·         Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác ở mức độ khác nhau đã lên án, phê phán chủ nghĩa tư bản một cách sâu sắc ngay từ khi nó mới ra đời. Họ đã phần nào nói lên tiếng nói của những người lao khổ, bênh vực họ trước tình trạng bị đối xử bất công và bị áp bức trong xã hội. Các ông không chỉ miêu tả những hiện tượng bất công trong xã hội tư bản mà còn từng bước đi sâu tìm ra những nghịch lý trong xã hội ấy. Dưới con mắt quan sát của các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa lúc đó, chủ nghĩa tư bản được miêu tả như hiện tượng: "cừu ăn thịt người" của Tômát Morơ (thế kỷ XVI); "bệnh dịch nguy hiểm" của Campanenla (thế kỷ XVII); "bức tranh lộn ngược" của Xanh Ximông, "xã hội vô chính phủ công nghiệp" của Phuriê (thế kỷ XIX)... và do đó, theo các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa, xã hội tư bản cần phải bị loại bỏ và thay thế bằng xã hội khác.
·         Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác đã nêu lên nhiều luận điểm có giá trị, nhiều dự đoán tài tình về sự phát triển của xã hội, về một xã hội tương lai tốt đẹp hơn mà sau này các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa một cách có phê phán và luận chứng chúng trên cơ sở khoa học. Tiêu biểu là mô hình "Hòn đảo không tưởng" của T.Morơ (thế kỷ XVI); "Thành phố Mặt trời" của Campanenla (thế kỷ XVII) và mô hình "Công xưởng Niulanác" của Ôoen (thế kỷ XIX). Trong các mô hình này cũng như trong tư tưởng của một số nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã nêu lên tư tưởng về một xã hội tương lai, ở đó: xây dựng chế độ sở hữu chung (công cộng); phân phối công bằng (có lợi cho đa số); ai cũng phải lao động và mọi dạng lao động được coi trọng như nhau; không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn; trẻ em được giáo dục miễn phí, phụ nữ được giải phóng; không có chiến tranh; nhà nước sẽ đi tới tiêu vong...
Ăngghen cho rằng, mặc dù những dự đoán trên đây còn đầy chất ảo tưởng, nhưng đây là những dự đoán hết sức thiên tài, là những hạt ngọc lấp lánh mà sau này các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học đã kế thừa có chọn lọc khi các ông xây dựng mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
·         Trong một giai đoạn lịch sử tương đối dài, với những tư tưởng tiến bộ và bằng những hoạt động của mình, các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác đã góp phần thức tỉnh tinh thần đấu tranh của quần chúng lao khổ và thúc đẩy lịch sử tiến lên không chỉ về mặt lý luận mà còn về cải tạo xã hội. Do đó, chủ nghĩa xã hội trước Mác có giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Một số nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã hy sinh địa vị xuất thân, tiền bạc, thậm chí bằng cả tính mạng nhằm thay đổi chế độ xã hội để giải phóng cho quần chúng lao động và đấu tranh giành quyền bình đẳng cho họ.
·         Với các giá trị nêu trên, các tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác, nhất là tư tưởng của xã hội chủ nghĩa đầu thế kỷ XIX của Xanh Ximông, Phuriê và Ô-oen được Mác - Ăngghen thừa nhận là một trong ba nguồn gốc lý luận của của học thuyết mà các ông xây dựng
·         học thuyết Mác-Lênin và là tiền đề tư tưởng của Chủ nghĩa xã hội khoa học.
V.I.Lênin đã viết: "Chủ nghĩa xã hội lý luận Đức sẽ không bao giờ quên rằng nó đứng trên vai của Xanh Ximông, Phuriê và Ô-oen - mặc dù học thuyết của ba ông còn đầy tính chất ảo tưởng và không tưởng- đã được liệt vào hàng những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của tất cả các thời đại, và đã dự kiến một cách tài tình được rất nhiều chân lý mà ngày hôm nay chúng ta đem khoa học ra chứng minh đều thấy là đúng"1
Những hạn chế:
+ Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác phê phán chủ nghĩa tư bản đã gây ra tình trạng bất công, nhưng họ chưa khám phá ra bản chất và quy luật vận động của xã hội tư bản; không giải thích đúng được nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cảnh bất công, nghèo đói... là do chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa tạo ra (trừ R.Ôoen).
·         Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác chưa phát hiện được lực lượng xã hội đang phát triển trong lòng xã hội tư bản, có lợi ích mâu thuẫn đối kháng với lợi ích của giai cấp tư sản, có khả năng cải tạo xã hội bất công để xây dựng một xã hội mới không còn áp bức, bóc lột, bất công, tốt đẹp hơn chủ nghĩa tư bản là giai cấp vô sản.
·         Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác chưa ai tự đặt mình là người đại diện cho quyền lợi của giai cấp vô sản và quần chúng lao động nghèo khổ và đấu tranh giải phóng họ. Các nhà không tưởng luôn đứng trên lập trường của giai cấp, tầng lớp trên (quý tộc, tư sản), đứng ngoài xã hội để mưu giải phóng toàn xã hội. Họ không gắn học thuyết của mình với phong trào đấu tranh của quần chúng.
·         Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác đứng trên quan điểm duy tâm để cải tạo xã hội. Họ muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp nhưng bằng con đường cải cách dần dần, bằng giáo dục, bằng thực nghiệm, bằng cảm hoá giai cấp tư sản và tầng lớp trên của xã hội chứ không phải bằng con đường đấu tranh giai cấp và cải biến cách mạng. Đó là "con đường cải lương nửa vời" và không tưởng.
Các nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa trước Mác không thể tự giải thoát mình khỏi vòng không tưởng. Ngay cả những luận điểm đúng đắn nhất do các nhà không tưởng nêu ra cũng mới chỉ là những dự đoán, chưa được luận chứng bởi một cơ sở khoa học và thực tiễn. Sự diệt vong của xã hội cũ, sự ra đời của xã hội mới vẫn chỉ là những giấc mơ mang tính viển vông, những mong muốn chủ quan của con người, chưa có điều kiện vật chất khách quan, do đó nó đều thất bại khi đưa vào thực tế.
Tóm lại, Chủ nghĩa xã hội không tưởng là những lý luận, những học thuyết biểu hiện dưới dạng chưa chín muồi nguyện vọng của quần chúng mong muốn xoá bỏ chế độ áp bức bóc lột, tình trạng bất công trong xã hội, mong muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, ở đó không còn tình trạng đói khổ của những người lao động, mong có một xã hội tốt đẹp mà quan hệ giữa người và người là quan hệ hữu ái, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, những mong muốn, nguyện vọng, những dự án tốt đẹp đó không dựa vào điều kiện thực tiễn khách quan mà nảy sinh từ đầu óc, từ những mong muốn chủ quan của một số người, vì vậy không thực hiện được trong thực tế và nó trở thành ảo tưởng, không tưởng.
V.I.Lênin khẳng định: Chủ nghĩa xã hội không tưởng không thể vạch ra được một lối thoát thực sự. Nó không giải thích được bản chất của chế độ nô lệ làm thuê trong chủ nghĩa tư bản, cũng không phát hiện ra được những quy luật phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa và cũng không tìm thấy được lực lượng xã hội có khả năng trở thành người sáng tạo xã hội mới
Utopia/NCC

Post a Comment

0 Comments