QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC MỚI VÀ VIỆC CẦN THIẾT PHẢI QUAN TÂM GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CHO HỌC SINH, SINH VIÊN - TRÁCH NHIỆM KHÔNG CỦA RIÊNG AI


Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

Đạo đức cách mạng là đạo đức luôn được nhận thức và giải quyết trên lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ lợi ích của cách mạng. Đây là cơ sở để phân biệt một cách rạch ròi với thói đạo đức giả, đạo đức của giai cấp bóc lột.  với đặc trưng bản chất là nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, đem lại lợi ích không phải cho quần chúng nhân dân lao động mà cho thiểu số những kẻ bóc lột, không những thế nói đi đôi với làm còn nhằm chống thói đạo đức giả.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

           
Lời nói phải đi đôi với việc làm và thực hành đạo làm gương là đạo đức của người cách mạng nói chung, nằm trong vốn văn hóa phương Đông nói riêng. "Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Do đó cần xây dựng những tấm gương người tốt việc tốt . Đối với cán bộ, Đảng viên, Hồ Chí Minh nói: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà ta lại được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã".
            - Xây đi đôi với chống, phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi.
            Để tạo nên những con người hoàn thiện về tài, đức, phục vụ sự nghiệp cách mạng, theo Hồ Chí Minh cần phải quán triệt nguyên tắc xây phải đi đôi với chống.
            Hồ Chí Minh cho rằng cuộc cách mạng của nhân dân ta là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, trong đó vừa chống lại nọc độc của xã hội cũ, những cái xấu vừa nảy sinh, vừa chống lại bọn đế quốc thực dân, vừa chống nghèo nàn lạc hậu, thói hư tật xấu. Vì vậy, thái độ của người cách mạng là phải kiên quyết đầu tranh chống lại cái xấu, cái ác, phải bồi dưỡng và phát triển cái thiện, cái tốt đẹp cho xã hội. Vì vậy, xây và chống phải đi đôi với nhau.
            Trong Đảng và mỗi con người, vì những lý do khác nhau nên không phải "người người đều tốt, việc việc đều hay". "Mỗi con người đều có cái thiện và cái ác trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và cái xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng". Chống và xử lý nghiêm minh là nhằm xây, đi liền với xây và muốn xây thì phải chống. Mục đích cuối cùng là xây dựng con người có đạo đức và nền đạo đức mới Việt Nam.
            Xây là giáo dục những phẩm chất đạo đức mới, giáo dục đạo đức phải phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, tầng lớp và trong từng môi trường khác nhau, đồng thời phải chú ý đến từng giai đoạn cách mạng.
            Xây dựng đạo đức có nhiều cách làm, trước hết mỗi cá nhân và tổ chức phải có ý thức tự giác trau dồi đạo đức cách mạng. Sự tự giác của bản thân là phẩm chất đạo đức quý đối với từng người và tổ chức.
            Xây đi đôi với chống trên cơ sở tự giáo dục, đồng thời phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi. Bới vì chủ nghĩa xã hội là công trình của quần chúng nhân dân tự xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
            - Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời
            Đạo đức cách mạng, đạo đức mới khác với đạo đức cũ ở chỗ nó gắn với thực tiễn cách mạng và phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Vì vậy, việc rèn luyện, tu dưỡng bền bỉ suốt đời phải như công việc rửa mặt hàng ngày, như một yêu cầu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
            Theo Hồ Chí Minh:" Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống" mà phải "gian nan rèn luyện mới thành công". Đã là con người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ tốt chỗ xấu, ai cũng có thiện có ác ở trong bản thân mình. Nhưng quan trọng là dám nhìn thẳng vào con người mình, không tự lừa dối, thấy rõ cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác để khắc phục.
            Đối với mỗi con người, việc tu dưỡng đạo đức phải gắn với hoạt động thực tiễn, trên tinh thần tự giác, tự nguyện, dựa vào lương tâm, trách nhiệm của mỗi người. Phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời ví như rửa mặt hàng ngày vậy.
            Ở nước ta từng bước đi vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, một nền đạo đức mới đã và đang hình thành cùng với công cuộc đổi mới của Đảng là nguồn động lực quan trọng góp phần xây dựng nước ta trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là nền đạo đức vừa phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc như: yêu nước, thương người, ý thức tự lực tự cường vượt gian khó đi lên, sống nghĩa tình trọn vẹn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư với những yêu cầu mới, những nội dung mới do đòi hỏi của dân tộc và thời đại. Nhờ đó, đa số sinh viên, thanh niên trí thức vẫn giữ được lối sống tình nghĩa, giản dị, trong sạch, lành mạnh, khiêm tốn, luôn cần cù, sáng tạo trong học tập, sống có bản lĩnh, biết gắn kết giữa cống hiến và hưởng thụ, có chí lập thân, lập nghiệp, năng động, nhạy bén, dám đối mặt với những khó khăn thử thách, luôn tìm tòi khám phá cái mới, dám chịu trách nhiệm không ỷ lại chây lười; luôn gần gũi và gắn bó với nhân dân, đồng hành cùng dân tộc phấn đấu hết mình để xây dựng Tổ quốc phồn vinh và hạnh phúc.
            Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do sự bùng phát của lối sống thực dụng, chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý, đã dẫn đến những tiêu cực trong đời sống xã hội nhất là lớp trẻ ngày càng phổ biến. Đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh thành tích, sống cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng. Đó là tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền, thiếu trách nhiệm, vô lương tâm ở một bộ phận công chức, nhất là ở những cơ quan trực tiếp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp chậm được khắc phục. Đó còn là tình trạng một bộ phận cán bộ Đảng viên kể cả một số cán bộ chủ chốt yếu kém về phẩm chất và năng lực; vừa thiếu tính tiên phong gương mẫu, vừa không đủ trình độ hoàn thành nhiệm vụ. Thêm vào đó là những biểu hiện xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa chưa được khắc phục, sự chống phá của các thế lực phản động quốc tế nhằm thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả đó đã làm cho một bộ phận sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp, chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, hút hít, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, chạy thầy, mua bằng cấp, mua thành tích. Đây là những biểu hiện không thể coi thường.
            Đối với học sinh, sinh viên trường ta nói chung là tốt. Các em là lực lượng trẻ, khỏe, hùng hậu, luôn đi đầu trong việc học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống để vì ngày mai lập nghiệp. Kết quả học tập, rèn luyện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hiến máu nhân đạo, thanh niên tình nguyện..v..v.. được Đảng ủy và lãnh đạo nhà trường đánh giá cao. Trong thời gian học tập, rèn luyện ở trường xuất hiện rất nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu trên các lĩnh vực. Nhiều học sinh, sinh viên đã phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Các khóa ra trường đa số các em tìm kiếm được việc làm ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần làm tăng thêm uy tín, thương hiệu của nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường là xã hội thu nhỏ nên mặt trái của xã hội như thế nào thì trong trường cũng như thế ấy. Bởi vì "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu". Cơ chế thị trường các ưu điểm cũng như mặt trái hàng ngày, hàng giờ tác động vào suy nghĩ, tình cảm, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Vì vậy, dạy kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn là nhiệm vụ trung tâm của nhà trường. Tuy nhiên, dạy "đạo làm người" không thể lãng quên và nhiệm vụ không của riêng ai. Vậy trước hết yêu cầu mọi người phải xác định đúng vị trí, vai trò của đạo đức đối với cá nhân.
            Đạo đức, hiểu một cách tổng quát là toàn bộ những chuẩn mực, những quy tắc, những quan niệm về các giá trị thiện ác, lương tâm, trách nhiệm, danh dự, hạnh phúc, công bằng... được xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ giữa con người với sự nghiệp, giữa con người với nhau và giữa con người với xã hội. Xuất phát từ bản chất con người luôn có khát vọng hướng tới chân, thiện, mỹ nhằm hoàn thiện bản thân. Để vươn tới sự hoàn thiện, trước hết con người phải tự tu dưỡng hoàn thiện mình về đạo đức. Do vậy, đạo đức là yếu tố cơ bản của nhân cách, tạo nên giá trị con người.
            Bác Hồ kính yêu đã cho rằng, đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, trọng đạo lý, việc tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi con người có vai trò vô cùng quan trọng. Riêng đối với thế hệ trẻ, việc tu dưỡng này còn quan trọng hơn vì họ là người chủ tương lai của đất nước, là cái cầu nối giữa các thế hệ. Người tiếp sức cách mạng cho thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức và chăm lo cho việc rèn luyện đạo đức của học sinh, sinh viên được Bác Hồ và Đảng ta quan tâm rất sớm.
            Còn riêng đối với trường ta có nên kết hợp dạy chữ, rèn người để từng bước hình thành đức tài cho học sinh, sinh viên không? Ai (tập thể, cá nhân, tổ chức nào) làm việc này? Phương pháp giáo dục như thế nào cho có hiệu quả..v..v.. Đó chính là vấn đề mà bản thân muốn xới lên để các nhà khoa học, những người có lương tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp "trồng người" cùng trao đổi, luận bàn để cùng tìm ra lời giải đáp.
            Theo tôi, để từng bước hình thành đạo đức cho con trẻ phải kiên trì, nhẫn nại, phải hiểu rõ tâm lý tính cách, đặc điểm , sở thích của từng lứa tuổi, giới tính, phải biết kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội để giáo dục. Phải đưa nội dung, kết hợp nhiều phương pháp giáo dục đạo đức trong từng buổi học, nội dung học để hình thành nhân cách. Bởi như Bác thường nói: "Đạo đức không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Ở trường ta một số người quan niệm giáo dục, quản lý, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của bố mẹ và thầy cô giáo. Tôi cho rằng ý kiến đó không sai nhưng chưa đủ bởi vì việc "trồng người" là sự nghiệp lâu dài, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, việc đó không của riêng ai. Nếu như trên hục giảng và trong từng bài giảng thầy cô có thuyết trình, giáo huấn hay đến đâu nhưng giữa lời nói và việc làm "người dạy chữ" nó cong vênh, không ăn khớp với nhau thì thử hỏi giá trị giáo huấn cao hay thấp? Nếu cô thầy hay đi chậm mà bắt học sinh phải đúng giờ? Nếu cô thầy nghe điện thoại, nhắn tin trong giờ, cấm học sinh không sử dụng, phải chấp hành quy chế nghiêm túc. Nếu người đi giáo dục mà hành động, ứng xử, phát ngôn có lúc thiếu văn hóa..v..v..  thì thử hỏi các em sẽ học ai? Chính vì vậy, trong nhà trường các thầy cô giáo muốn được học trò tin yêu, mến phục thì họ phải là tấm gương sáng. Do đó, như Bác Hồ đã dạy: "Yêu cầu giáo viên phải chú ý cả tài cả đức, tài là văn hóa chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức, cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con".
            Để hình thành lối sống, đạo đức cho học sinh, sinh viên phải hết sức quan tâm đến "văn hóa học đường", phải biết phối kết hợp giữa Đảng ủy, Ban giám hiệu, phòng khoa ban, giáo viên, cán bộ công nhân viên cùng chăm lo giáo dục, quản lý. Thực tế cho thấy ở các phòng ban thường xuyên tiếp xúc với học sinh, phụ huynh, quan khách, các cấp lãnh đạo và đội ngũ giáo viên chuẩn mực còn ở đâu đó có vài bộ phận, cá nhân cách ứng xử thiếu văn hóa, lời nói thì thô tục, cục cằn, có thái độ bắt nạt người được phục vụ thì sẽ ảnh hưởng ghê ghớm đến uy tín của nhà trường và kết qủa giáo dục. Còn trong đội ngũ cán bộ giáo viên đa số gương mẫu, sống trong sạch, lành mạnh, biết trọng chữ tín, danh dự, nghèo nhưng không hèn, trong khó khăn không cần lèo lách. Được các thế hệ học sinh khâm phục nhắc tên. Nhưng chỉ cần một ít cá nhân lợi dụng cơ chế, tìm cách móc túi người khác; gợi ý hoặc xử phạt học sinh tiền, đánh đổi nó bằng con điểm, chỉ vì lợi ích cá nhân mà đánh đổ tất cả "há miệng mắc quai", mình làm như vậy thì thử hỏi giáo dục được ai trên đời này?
            Người đời vẫn nói: "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Học sinh, sinh viên là lứa tuổi rất năng động, bản lĩnh chưa vững vàng, không làm chủ được bản thân dễ bị mặt trái lôi kéo. Chính vì vậy, học sinh trường ta những chuyện "thật như bịa" diễn ra hàng ngày ai cũng nhìn thấy như: phát ngôn tục tằn, hành động, ăn mặc, quần áo, đầu tóc biểu hiện thiếu văn hóa không đúng với phong tục tập quán, tâm lý truyền thống người phương Đông, thách đố hỗn láo với người lớn tuổi, chửi bới ném giấy vào mặt giáo viên trẻ. Thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy hàng ngày gặp học trò trên sân trường không được một lời chào. Có rất nhiều sinh viên không hề biết tên giáo viên trực giảng , giáo viên chủ nhiệm mình tên gì? Đó là chưa kể đến những chuyện gây mất đoàn kết, đánh đập nhau ở ký túc xá, sân bóng của nhà trường ..v..v. Những chuyện thường nhật này những ai biết? trách nhiệm thuộc về ai? Phải làm gì và sử dụng những phương pháp nào để tăng cường và lập lại kỷ cương "văn hóa học đường". Xin mời bạn đọc và các nhà khoa học cùng suy ngẫm cho ý kiến để cùng tranh luận làm sáng tỏ vấn đề.
Utopia/NCC

Post a Comment

1 Comments

  1. LiveScore Bet on LACbet - Official Website fun88 soikeotot fun88 soikeotot 우리카지노 쿠폰 우리카지노 쿠폰 10bet 10bet 1XBET 1XBET leovegas leovegas 바카라사이트 바카라사이트 bet365 bet365 온라인카지노 온라인카지노 카지노 가입 쿠폰 카지노 가입 쿠폰 23 Sports Betting - Asian Handicap - thauberbet.com

    ReplyDelete